Một cuốn sách nhiều sai lạc

Bìa cuốn "Huyền thoại với Lời ru" do NXB Đồng Nai ấn hành.

1. Lời giới thiệu sách cho bạn đọc biết: Nguyên tác của cuốn sách là bản sơ thảo "Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca" của vợ chồng nhà nho Bùi Văn Vóc, Lê Thị Rụ dựa theo cuốn "Đại Quang Việt Sử" dịch từ sách chữ nho của liệt sĩ Lê Văn Tiễn, với cách hành văn như những lời ru con, ru cháu ngủ của người xưa.

Vợ chồng nhà nho Bùi Văn Vóc (sinh năm 1910), Lê Thị Rụ (sinh năm 1912), sinh sống tại thôn Đại Đồng, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 2008, hai cụ gửi bản thảo viết tay "Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca" (dày 105 trang) vào TP Hồ Chí Minh tham dự cuộc thi Sử Ca lần đầu tiên ở nước ta. Hai cụ là hai thí sinh cao tuổi nhất được ban tổ chức và Hội đồng giám khảo của cuộc thi Sử Ca năm 2008 trao tặng bằng khen, tiền mặt và phần thưởng.

&Quot;Cảm động, trước những cử chỉ cao đẹp và nhiệt tình vì Tổ quốc, vì nhân dân rất hiếm có của một người nho sĩ như vợ chồng hai cụ Bùi Văn Vóc, Lê Thị Rụ nên ông: Võ Thành Tân, Tổng giám đốc doanh nghiệp sách Thành Nghĩa thành phố Hồ Chí Minh đã cùng với những đồng tác giả tham gia bổ sung, biên soạn, chỉnh sửa và hiệu đính" (Lời giới thiệu, trang 6).

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), cuốn sách đã được in 500 bản, khổ 14,5 x 20,5 cm, tại Công ty Cổ phần In Bến Tre, theo số ĐKKHXB: 74-2010/CXB/100-95/ĐoN, Cục Xuất bản xác nhận ngày 15-01-2010, Quyết định xuất bản số 323B/QĐ-ĐoN, do Nhà xuất bản Đồng Nai cấp ngày 1-6-2010. Sách in xong và nộp lưu chiểu quý II - 2011.

Theo đúng như Lời giới thiệu đầu sách, thì tác giả là hai vợ chồng cụ Bùi Văn Vóc và Lê Thị Rụ đã cận tuổi bách niên. Còn ông Võ Thành Tân, Tổng giám đốc doanh nghiệp sách Thành Nghĩa Tp HCM chỉ là người tham gia bổ sung, biên soạn, chỉnh sửa và hiệu đính. Vậy mà, từ bìa sách chính, bìa lót, trang xi-nhê đến các trang nội dung, tên ông Võ Thành Tân đứng đầu bảng, lên trên cả tên các tác giả.

Điều cần lưu ý thêm, là cuối mỗi phần, đều thấy chua một dòng in đậm, gạch chân để nhấn mạnh: Hiệu đính cuối bài. Thực chất đó chỉ là những chú thích về các từ, cụm từ. Có những chú thích bỏ trống như chú thích đánh số 8 ở trang 127 về Dương Văn Minh. Lại có những chú thích giải thích ngây ngô, có cũng như không.

Ví dụ: chú thích đánh số 5 (trang 47) về Kính Thiên: "Thiên là trời, Kính Thiên là tôn kính trời"; chú thích đánh số 3 (trang 67) về hai chữ Quốc triều: "Quốc là nước, Triều là triều đại"; chú thích đánh số 1 (trang 92) về hai chữ Cựu hoàng: "Cựu là cũ, Hoàng là hoàng đế. Cựu hoàng là Hoàng đế cũ".

Lại có chú thích, như chú thích đánh số 1 (trang 55 viết), các nhà biên soạn viết: "Sang hà - Sang là qua, hà là sông biển, Sang hà nghĩa là đã sang qua sông biển, ví như lúc đánh cờ, một khi tốt đã sang hà? Nên ngôn ngữ mới có câu: Lỡ nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công".

Đây là hai câu thơ trong bài thơ "Học đánh cờ" trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên văn chữ Hán như sau: " Thác lộ song xa dã một dụng/ Phùng thời nhất tốt khả thành công ".

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy ngay người đặt bút đề hai chữ hiệu đính cũng không hề hiểu nghĩa từ nguyên của thuật ngữ muốn sử dụng.

2. Cuốn sách dày 132 trang (thực tế là 123 trang nội dung tác phẩm, từ trang 7 đến trang 129), gồm 5 chương: Chương 1 - Người giương cao ngọn cờ phò Lê để thống nhất giang sơn; chương 2 - Sự liên quan giữa các đời Chúa thuở Hậu Lê; chương 3 - Thời đại Tây Sơn (1778-1802); chương 4 - Vương triều nhà Nguyễn (1802-1945); chương 5 - Thời đại Hồ Chí Minh (1945-1975).

Tôi không bàn sâu vào nghệ thuật tác phẩm. Thơ lục bát tưởng như dễ làm mà lại có những niêm luật chặt chẽ, khó mà phá vỡ. Cũng không thể đòi hỏi hơn ở hai cụ già đã sống gần 100 tuổi, tác phẩm của các cụ viết ra từ tấm lòng rất đáng trân trọng. Tất nhiên, vẫn có thể dẫn ra những câu thơ không hiểu nổi logic ra làm sao như trang 110 đưa Thoát Hoan ra tận cửa biển Thần Phù: "Thoát Hoan xưa, cửa Thần Phù", hoặc trang 75 viết về cái chết của Hoàng đế Hiệp Hòa triều Nguyễn: " Tam ban triều điển rành rành/ Phật gia Từ Dũ trở thành... Trời ơi ! (2)". Chú thích 2 viết: "Trời ơi! Phải chăng đây là tiếng gọi, là câu hỏi, hỏi ai? Thuở bấy giờ và hậu thế". Thật nực cười hết chỗ nói.

Bỏ qua những sai sót về morat (vốn rất nhiều trong sách), ví dụ như Pắc Bó thành Bắc Bó (trang 101); chuyển ngày Toàn quốc kháng chiến từ 19/12/1946 thành 23/11/1946 (trang 107), sớm hơn thực tế lịch sử tới gần... 1 tháng, ngay ở những trang đầu tiên của sách này, các chú thích đã đánh rất lộn xộn: Kiên Ngung (1) - trang 8; lính thủy Xiêm (2) - trang 9; qua Xiêm (8) - trang 9; Nguyễn Hữu Chỉnh (2) - trang 11. Đến phần được các tác giả ghi "Hiệu đính cuối bài" lại là: 1. Trịnh Sâm...; 2. Kiên Ngung....; 3. Lính Thủy Xiêm... Phải nói là rất tùy tiện.

Dưới đây, tôi chỉ dẫn ra những sự kiện lịch sử đã bị xuyên tạc.

Chương 1, trang 8 của sách, các tác giả viết: " Trịnh Sâm lộ vẻ "oai hùng"/ Sai Vũ Trần tới Kiên Ngung (1) cầu hèn/ Tính nào tật ấy đã quen/ Thanh vương hứa sẽ bật đèn đỏ ngay"; "Không bao lâu chẳng mấy ngày/ Lại hay tin Mỹ Tho nay Rạch Gầm/ Kề bên Xoài Mút trung tâm/ Sông Tiền đã nổi sóng ngâm ngàn thuyền ". Chú thích 1 được giải thích như sau: "Kiên Ngung thuộc Nam Kinh Bắc Quốc, nơi Vũ Trần vâng lệnh của Trịnh Sâm sang Nam Kinh Bắc Quốc. Nhờ vua nhà Thanh cho quân sang giúp Trịnh Sâm, để Trịnh Sâm đánh lại Tây Sơn".

Năm Giáp Ngọ 1774, nhân Đàng Trong có biến do Tây Sơn nổi dậy, chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn. Tháng 10 năm đó, đích thân Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cầm quân kéo vào Nghệ An. Thanh thế được thêm, quân Trịnh chiếm được Thuận Hóa và đặt quan cai trị đất Thuận Quảng. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mất năm 1782, tức là... 4 năm trước khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Thăng Long. Cho nên, sách "Huyền thoại với Lời ru" mở đầu đã để Nguyễn Huệ gặp Trịnh Sâm là hành động "triệu cái bóng ma của lịch sử trở về" như cách nói của Các Mác.

Trang 53 viết về việc vua Gia Long cử sứ thần là Lê Quang Định sang nhà Thanh xin cầu phong và đổi tên nước như sau: "Càn Long sợ vã mồ hôi/ Gia Long chắc định như hồi Triệu Vương?". Năm 1802 vua Càn Long đã băng hà 3 năm, đâu còn trị vì. Vua nhà Thanh lúc đó là Gia Khánh. Sai sót này sẽ còn kéo dài đến chú thích đánh số 10 ở trang 55: "Đại trượng phu: đó chính là tước vị của vua Càn Long nhà Thanh Bắc Quốc phong cho Lê Quang Định".

Trang 87, khi chú giải câu thơ "Dân tha hồ xé hình vua bù nhìn" viết về cuộc bầu cử ở miền Nam giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, người chú thích đã hạ bút viết như sau: "Xé: Lịch sử nhân loại chưa có cuộc bầu cử nào công bằng như cuộc bầu cử tổng thống lần đầu tiên (1959) ở miền Nam nước ta. Ngô Đình Diệm biết chắc rằng mình sẽ thắng cử...&Quot;.

Đọc nhận định này, bạn đọc vô cùng bất ngờ! Không rõ người hiệu đính Võ Thành Tân dựa trên cơ sở tài liệu nào để đánh giá cuộc bầu cử tổng thống năm 1959 dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm là "công bằng" mà "Lịch sử nhân loại chưa có"?

Chưa hết, các tác giả cuốn sách và người hiệu đính còn khiến bạn đọc bất ngờ hơn khi đọc trong phần "Võ Duy Ninh quên mình vì nước", có đoạn: " Mừng thay con của Duy Dương/ Được vợ chồng cụ Hoàng Đường Nghệ An/ Đón nuôi, hợp thức an toàn/ Che luôn mắt bọn vua quan bù nhìn/ Còn dân Quảng Ngãi vẫn tin/ Kẻ Nam, người Bắc, như in vẫn còn/ Võ Sắc là cháu đích tôn/ Của Võ Tổng đốc nước non nhớ hoài ".

Cứ ngỡ Võ Sắc là một nhân vật nào đó, nhưng chú thích đánh số 8 (trang 66) giải thích rất rõ ràng: "Võ Sắc: Là con trai thứ hai của Thiên Hộ Vương Võ Duy Dương chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ".

Thân phụ của Bác Hồ là con trai thứ hai của Thiên Hộ Vương Võ Duy Dương không chỉ được in trong riêng cuốn "Huyền thoại với Lời ru" mà đã có trong các sách "Danh nhân và Thời đại", sách "Đại Quang Việt Sử" tập 2. Điều bất ngờ nữa là tất cả những cuốn sách này đều được phát hành tại hệ thống Nhà sách Nguyễn Văn Cừ thuộc Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa và đều đứng tên Nhà xuất bản Đồng Nai.

Phải chăng đây là tư liệu lịch sử mới được phát hiện mà bấy lâu nay chúng ta không được biết: Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh - là hậu duệ dòng họ Võ, cháu nội Tổng trấn Võ Duy Ninh, con trai Thiên Hộ Vương Võ Duy Dương?

Để trả lời câu hỏi này, người viết bài này kính đề nghị các chuyên gia nghiên cứu của Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh cho ý kiến để được tỏ tường!

 Hà Nội, ngày 7/9/2013 

Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment