Sự thờ ơ đang 'giết chết' những số phận hết nơi bấu víu

Rất nhiều số phận cùng khổ đã chọn cái chết như là cách giải thoát tốt nhất. Tựu chung lại cũng chỉ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhiều người chua xót nghĩ đến thực tế, phải chăng, sự thờ ơ, vô tâm của chính quyền, của mọi người xung quanh đã dẫn đến tấn bi kịch này?

Chữ "tình" đang ở đâu?

Người tự tử muốn giải thoát cho mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng họ đâu nghĩ rằng sự ra đi này đã để lại hậu quả nặng nề, gây đau khổ tột cùng cho người ở lại. Phía sau đó, hẳn nhiều người không khỏi trăn trở đặt câu hỏi: Họ hàng, bà con lối xóm đâu? Chính quyền địa phương ở đâu khi cái chết của những người này đã được báo trước?

Trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mỹ Nh. (ở xã An Xuyên, TP.Cà Mau). Rất nhiều người dân khi được hỏi đã bày tỏ suy nghĩ, nếu chính quyền địa phương nhạy cảm cảm thông có lẽ đã không dẫn đến kết cục đau xót như vậy. Bản thân ông Hồ Trung Việt, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau cho biết, ông cảm thấy rất đau xót trước việc chị Nh. quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẫn, bế tắc. "Chuyện quyên sinh của chị Nh. dù nguyên nhân chính là sức ép từ bệnh tình, tiền học của các con nhưng chính quyền cơ sở có lỗi một phần khi chưa sâu sát, chậm phát hiện để có sự trợ giúp kịp thời. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với chính quyền ấp 5, xã An Xuyên trong điều hành, chăm lo đời sống nhân dân".

Đại diện UBND TP.Cà Mau đã chỉ đạo Hội khuyến học trợ giúp các con của chị Nh. tiếp tục ăn học. Về lâu dài, phía chính quyền xã An Xuyên cần khẩn trương hoàn tất việc xem xét, đề xuất xét cấp sổ hộ nghèo, cận nghèo cho gia đình chị Nh. theo đúng trình tự quy định. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, cách giải quyết chỉ trên cơ sở khi sự đã rồi. Có thể chị Nh. sẽ ngậm cười nơi chín suối vì chồng con mình phần nào đỡ khổ nhưng những người sống sẽ vĩnh viễn phải đau xót vì sự ra đi này. Lật lại vấn đề, nếu chính quyền cảm thông, linh hoạt hơn thì gia đình chị sẽ đường hoàng nhận sổ hộ nghèo, và có thể chị sẽ không phải ra đi.

TS. Phạm Mạnh Hà.

Cũng tương tự như vậy, những sự việc đau lòng kể trên có thể sẽ không xảy ra nếu được sự sẻ chia của người xung quanh, sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trao đổi với PVNguoiduatin.vn, TS. bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, bản năng trong mỗi người là bản năng sống. Trong lúc khó khăn nhất, tưởng như không vượt qua nổi, thậm chí cái chết cận kề nhưng bằng mọi cách con người đều cố vượt lên. Trường hợp nào cũng vậy, quyên sinh vì sức ép bệnh tật, lo cho con cái hay gánh nặng cơm áo, tiền bạc đều rất cần sự sẻ chia giúp đỡ của những người xung quanh, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Nhiều khi chỉ vì sự thờ ơ, thiếu quan tâm có thể đẩy người đang trong giai đoạn khó khăn vào tình cảnh cùng cực, họ nghĩ rằng cái chết sẽ là cách giải thoát tốt nhất. Sự chối từ của chính quyền bằng cách lý giải khô khốc của quy định và luật lệ đã vô tình đẩy một người phụ nữ vào "bước đường cùng". Tín hiệu sống cuối cùng được người mẹ, người vợ đau khổ ấy phát đi đã không nhận được hồi đáp. Chữ "tình" đã ở đâu trong hoàn cảnh này?

Bi kịch không thể gọi tên

Những câu chuyện mà PVNguoiduatin.vnliệt kê ở trên dường như không còn hiếm trong xã hội ngày nay. Triết lý sống "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm là rách nhiều" đã được vận dụng ở đâu khi một thân phận "rách tả tơi" phải một mình gục ngã trước bão tố cuộc đời?. TS. Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) phân tích, trước khó khăn, những lựa chọn tiêu cực đều không đáng được cổ vũ. Gã ăn trộm không thể lấy lý do vì nghèo khó để thực hiện hành vi phạm pháp luật. Việc lấy cái chết như là lựa chọn cuối cùng của những người nghèo như trường hợp ở Cà Mau cũng không đáng được cổ vũ. Tuy nhiên, cần xét trong cả một hoàn cảnh dài dẫn đến lựa chọn của họ.

Theo TS. Hà, họ luôn cảm thấy có lỗi, mặc cảm trước sự tồn tại của mình, cộng với thái độ ức chế trước những chính sách của chính quyền địa phương. Tất cả những điều này tạo thành cú "sốc" lớn mà họ không vượt qua được và quyết định tìm đến cái chết để giải thoát. Xét trên góc độ tâm lý, khi mà không còn lối thoát nào khác thì cái chết là lựa chọn cuối cùng. Suy cho cùng chị ấy bị đè chết bởi học phí, viện phí và sự vô cảm của người xung quanh.

Không phải "chết là hết"!

PGS.TS Nguyễn An Lịch (Trung tâm Phát triển công tác xã hội và Tổ chức cộng đồng) lý giải, xã hội hiện đại ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Cuộc chiến sinh tồn ngày càng diễn ra khốc liệt hơn. Vô hình trung nó đã đẩy rất nhiều người vào thế bế tắc. Bị dồn vào chân tường, họ quay lại chống trả chính mình bằng cách chọn lấy cái chết. Hầu hết đều nghĩ "chết là hết" nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như vậy, đằng sau những vụ tự tử là bi kịch xảy đến với người thân của họ và cả xã hội.

Anh Đức

Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment