Theo các chuyên gia, bước vào tuổi 40 là thời điểm sức khỏe con người bắt đầu giảm đi rõ rệt và tiểm ẩn nhiều rủi ro bệnh lý.
Tiến sĩ Sandra Fryhofer, chuyên gia nội khoa tại bệnh viện Piedmont (Atlanta, Mỹ) khuyên, việc đầu tiên một người bước vào tuổi 40 nên làm là đi khám sức khỏe tổng quát để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình. Nếu kết quả cho thấy thể trạng không có gì đáng lo thì từ bây giờ bạn nên lưu tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để duy trì sức khỏe.
Ông đưa ra 8 lời khuyên sau đây:
1. Giữ gìn thị lực
Ở tuổi 40, thị lực bắt đầu giảm đi, do đó bạn hãy chủ động kiểm tra thị lực và bảo vệ "cửa sổ tâm hồn" của mình. Tiến sĩ Sandra khuyên, khi ra đường, mọi người nên đeo kính râm để tránh tổn thương mắt. "Quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể gây bệnh đục thủy tinh thể. Do đó, kính mát là một công cụ bảo vệ mắt khỏi tia UV-A và UV-B".
Khi đến tuổi 40, bạn nên chủ động bảo vệ đôi mắt của mình. Ảnh minh họa: wp. |
Mặt khác, Heather Mangieri, thành viên Viện dinh dưỡng Mỹ cho rằng, dinh dưỡng lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ mắt. Một chế độ ăn với nhiều trái cây và rau quả sẽ cung cấp đầy đủ các chất chống ôxy hóa, vitamin và khoáng chất, giúp làm chậm quá trình suy giảm thị lực.
Nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi là tình trạng thoái hóa điểm vàng. Nó ảnh hưởng đến 9,1 triệu người Mỹ trên 40 tuổi. "Thoái hóa điểm vàng có xu hướng di truyền. Tuy nhiên chúng ta có thể sử dụng dinh dưỡng, cụ thể là một chế độ ăn uống giàu chất lycopene (tìm thấy trong trái cây và rau quả màu đỏ) và chất chống ôxy hóa giúp làm chậm tiến trình suy giảm thị lực", Mangieri nói trên trang Healthnews.
2. Hãy nắm rõ những thông số sức khỏe quan trọng
Tuổi 40 là thời điểm cần thiết để kiểm tra những thông số sức khỏe như: Huyết áp, nồng độ cholesterol, lượng đường trong máu và trọng lượng cơ thể. Nếu bạn quên kiểm tra trước tuổi 40 thì nên thực hiện ngay là vừa.
Không quá khó khăn để nắm được những thông số này. Chẳng hạn, khi đi mua thuốc, bạn có thể yêu cầu dược sĩ đo huyết áp, còn khi khám bệnh bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân kiểm tra lượng đường trong máu. Nhiệm vụ của bạn là ghi chép hoặc nhớ những con số đó. Lợi ích của việc làm này là giúp bạn và bác sĩ xác định những căn bệnh tiềm ẩn có thể phát sinh trong tương lai. Vi dụ: với những người bị huyết áp cao thường tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, suy tim, suy thận...
3. Tìm hiểu lịch sử bệnh án của gia đình
Đến tuổi này, bạn nên xem xét cẩn thận gia phả dòng họ để biết gia đình có căn bệnh di truyền nào không. Bước tiếp theo là tìm hiểu xem liệu căn bệnh di truyền đó có ảnh hưởng đến bạn không, từ đó có hướng khắc phục sớm.
Ví dụ, nếu gia đình từng có người bị ung thư đại tràng thì bạn hãy đi nội soi đại tràng ngay. Với bệnh tim cũng thế, một lần kiểm tra canxi có thể giúp xác định xem những động mạch trong cơ thể có bị đông cứng không. Khi xác định được rõ ràng, bạn cần có những thay đổi về thói quen sinh hoạt và điều trị phòng bệnh sớm.
4. Tăng cường những bài tập thể dục cải thiện cơ bắp
Bắt đầu tuổi 40, cơ thể con người sẽ giảm đi khoảng 1% lượng cơ mỗi năm. Song với một kế hoạch tập vật lý trị liệu hàng tuần cùng những bài tập duy trì sức khỏe sẽ giúp chúng ta cải thiện chất lượng cơ bắp toàn thân.
Bên cạnh đó, tuổi tác gia tăng làm cho con người ngày càng trở nên chậm chạm. Vì thế khi đến tuổi 40, bạn nên tập Yoga và môn thể dụng cụ Pilates. Những bài tập như thế sẽ giúp cơ thể linh hoạt, cải thiện sức khỏe, duy trì trạng thái cân bằng và khả năng vận động.
5. Ăn nhiều chất xơ
Quá trình trao đổi chất trong cơ thể bắt đầu chậm lại khi con người bước vào tuổi 40. Vì thế trong khẩu phần ăn nên giảm bớt calo, song vẫn phải đảm bảo đủ chất xơ và khoáng chất. Theo Heather Mangieri: “Giảm lượng calo tức là giảm thức ăn chứa nhiều đường, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất xơ, khoáng chất và nước cho cơ thể".
6. Tập luyện thói quen lành mạnh
Phó giáo sư Elizabeth Jackson, Đại học Michigan nhấn mạnh lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa những cơn đau tim và đột quỵ.
Cụ thể bạn nên hình thành thói quen thể dục với những bài tập thuần thục sẽ giúp cơ thể giảm căng thẳng. Tập thể dục đều đặn và một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, rau quả và chất béo không bão hòa là phương thức tối ưu để có trái tim khỏe. Mà theo Elizabeth: “Việc giữ một trái tim khỏe và đầu óc tỉnh táo sẽ giúp cơ thể không bị tăng cân. Một lối sống lành mạnh là khoản đầu tư tốt cho cuộc sống sau này”.
7. Từ bỏ thuốc lá
Nếu bạn có thói quen hút thuốc thì khi đến tuổi 40 bạn nên suy xét nghiêm túc việc cai nghiện bằng bất cứ cách nào và bất kỳ sự giúp đỡ nào. “Thật không dễ để bỏ nó nhưng hãy tin tôi, việc bỏ thuốc sẽ giúp bạn giảm đi những nguy cơ tồi tệ như: bệnh tim mạch, thận, đột quỵ và ung thư phổi”, Tiến sĩ Sandra Fryhofer khẳng định khi nói đến tác hại của thuốc lá.
8. Kiểm tra tuyến giáp
Nếu bạn cảm thấy ngày càng kiệt sức, tăng cân, da và tóc bị khô cứng thì nên đi kiểm tra tuyến giáp. Cơ quan này có chức năng kiểm soát năng lượng trong cơ thể và điều chỉnh các kích thích tố. Một bài kiểm tra tuyến giáp sẽ biết rõ nó đang hoạt động như thế nào. Nếu kết quả cho thấy tuyến giáp yếu, có thể là do bệnh di truyền. Song bạn cũng có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngọc Vĩnh
0 comments:
Post a Comment