Benh nhan tam than Một số người bị bệnh trầm cảm đi khám suốt cả chục năm cũng không phát hiện ra.
Sờ chỗ nào cũng đau
TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103 cho biết, trong số bệnh nhân của ông, có trường hợp tên Nguyễn Ngọc Minh ở Thanh Hóa, đã ròng rã đi khám chữa tại 16 bệnh viện, trung tâm y tế các loại, nhưng không phát hiện ra bệnh. Chỉ thấy bệnh nhân kêu đau vùng ngực, đau từ trước ra sau, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa đều chẩn đoán bệnh liên quan đến tim, phổi và yêu cầu chụp X-quang. Nhưng kết quả lại cho thấy ông Minh chẳng bệnh tật gì.
Thế mà ông vẫn không ngừng kêu đau và kiên quyết tìm ra bệnh. Nhà ông ngày càng lưu trữ thêm nhiều các tập hồ sơ bệnh án và phim chụp X-quang tim, phổi của chính ông từ khắp các cơ sở y tế. Trong khi các triệu chứng đau càng lúc càng tăng lên đến mức sờ chỗ nào cũng đau, ông thấy đau xương khớp, đau đầu, rồi đau cả sang vùng thượng vị. Nghĩ mình bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, ông này chủ động đi khám ở Viện K, làm các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư.
Nhưng lần này kết quả cũng ngoài sự mong đợi, ông không hề ung thư. Người nhà ông bắt đầu đi xem “thầy”, đi lễ lạt khắp các đền, chùa, miếu mạo, vì “thầy” phán rằng ông bị bệnh “đường âm”. Gia đình hao tiền tốn của, còn ông thì sút cân, người gầy rộc, cả ngày chỉ rên rỉ kêu đau. Thế rồi trong sự hoang mang, lo lắng cùng cực, ông tìm đến chuyên khoa tâm thần.
TS Bùi Quang Huy cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt mỏi, thể lực suy sụp, tâm trí rối loạn, bất an, chán nản, bi quan. Qua kiểm tra bảng câu hỏi về các triệu chứng bệnh, TS Bùi Quang Huy kết luận nguyên gây “đau” cho bệnh nhân này không gì khác ngoài chứng trầm cảm. Quả thực sau thời gian điều trị trầm cảm chưa đầy một tháng, bệnh nhân này đã tay bắt mặt mừng thú thật với bác sĩ các cơn đau trong người ông không biết đã tan biến từ lúc nào.
Người bệnh trầm cảm thường có biểu hiện như buồn rầu, bi quan, chán ăn, mất ngủ...
Bệnh nhân cũng bày tỏ sự hối hận vì “thiếu hiểu biết” của mình: “Tôi vừa nhậm chức hiệu trưởng được 1 năm thì bắt đầu bị các “cơn đau” hành hạ, suốt 5 năm không làm được việc gì, chỉ lo tìm ra bệnh, chữa bệnh. Hiện tôi chỉ còn 1 năm nữa để cống hiến trước khi nghỉ hưu, may gặp thầy gặp thuốc chứ không thì 1 năm tới của tôi ở cương vị hiệu trưởng cũng chỉ là con số 0”.
Bác sĩ phải cao tay, “tỉnh đòn”
TS Bùi Quang Huy chia sẻ, bệnh trầm cảm thông thường có các biểu hiện như buồn rầu, bi quan, chán ăn, mất ngủ, muốn chết... nhưng với những ca phức tạp chỉ biểu hiện qua cảm giác “đau” thì rất khó phát hiện. Hầu hết bệnh nhân trước khi biết mình mắc trầm cảm phải vào chuyên khoa tâm thần điều trị thì đều đã mòn chân mỏi gối ở khắp các cơ sở y tế, làm đủ mọi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây “đau”. Không ít người cũng tìm cách chữa bệnh bằng “đường âm” nhưng đều không mang lại kết quả. Bệnh nhân vẫn phải chịu đựng các “cơn đau” hành hạ.
Cũng chính vì đã thăm khám ở quá nhiều nơi, khi đến chuyên khoa tâm thần, người bệnh thường có tâm lý tiêu cực kiểu “khám thì khám chứ chắc gì đã tìm ra bệnh”. Mỗi lần, bác sĩ đặt câu hỏi đánh giá tình trạng bệnh, họ lại trả lời “vòng vo tam quốc” vô tình thành tung hỏa mù, đánh đố bác sĩ. Nếu không “tỉnh đòn”, cao tay, bác sĩ có thể bị chính bệnh nhân tâm thần của mình “dắt mũi” và cũng không thể đưa ra kết luận họ bị bệnh gì, chữa trị ra sao - TS Bùi Quang Huy vui vẻ cho biết.
Chẳng hạn, khi bác sĩ hỏi bệnh nhân có mất ngủ hay không, những người này đã liến thoắng trả lời, có mất ngủ do làm ăn thua lỗ, tiếc của nên đêm đêm không thể chợp mắt, hoặc do bán nhà bị hớ, do vợ không quan tâm, do con cái học hành sa sút... Với mỗi câu hỏi, bệnh nhân có cả nghìn lý do đủ để làm bác sĩ rối bời. Nhưng TS Bùi Quang Huy bảo, thông thường anh phải “trấn áp” ngay, bệnh nhân chỉ được trả lời “có” hoặc “không” và ngay khi kết thúc bảng câu hỏi anh đã có thể chẩn đoán chính xác căn bệnh.
Nguồn: 24h.com.vn
0 comments:
Post a Comment